Kinh tếMôi trường rừng

Động lực giữ rừng của người dân Mường Tùng

09:03 - Thứ Năm, 16/11/2023 Lượt xem: 2692 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mang lại nguồn thu nhập ổn định và là động lực giữ rừng của người dân xã Mường Tùng (huyện Mường Chà). Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, năm 2022, 9 cộng đồng dân cư và UBND xã Mường Tùng được hưởng số tiền DVMTR hơn 4 tỷ đồng, chưa tính diện tích rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện giao khoán cho các hộ dân. Với số tiền hưởng lợi từ DVMTR lớn hơn thu nhập chung của người dân vùng sâu, vùng xa đã tạo động lực để các cộng đồng yên tâm giữ rừng.

Mường Tùng là xã có diện tích rừng tương đối lớn của huyện Mường Chà với diện tích hơn 10.000ha. Hiện nay, UBND xã đang quản lý gần 1.670ha rừng; còn lại khoán cho các cộng đồng bảo vệ. Bản Pom Cại có hơn 370ha rừng được chi trả DVMTR. Với số tiền chi trả hơn 700 nghìn đồng/ha/năm, bà con dân bản được hưởng số tiền trên 260 triệu đồng/năm. Được nhận số tiền trên, bản Pom Cại đã sử dụng cho các hoạt động chung của bản, sửa chữa các công trình phúc lợi cộng đồng; còn lại chi cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ được nhận tiền chi trả DVMTR hàng năm, người dân đã nâng cao ý thức, tích cực đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Lò Văn Thân, bản Pom Cại, xã Mường Tùng chia sẻ: “Từ khi được nhận tiền DVMTR, dân bản đã ý thức hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Bà con tích cực tham gia tuần tra bảo vệ và PCCCR, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn. Hàng tháng, dân bản tự nguyện ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR, không xâm hại, khai thác lâm sản trái phép. Chuyển biến tích cực ấy phần nhiều nhờ vào những lợi ích mà chính sách chi trả DVMTR mang lại”.

Không chỉ người dân bản Pom Cại, ý thức giữ rừng của người dân bản Mường Tùng, xã Mường Tùng cũng có nhiều thay đổi kể từ khi được hưởng tiền DVMTR. Ông Lò Văn Tuấn, bản Mường Tùng cho biết: Hiện nay, cộng đồng bản đang nhận quản lý, bảo vệ trên 520ha rừng và mỗi năm hưởng 370 triệu đồng DVMTR. Số tiền này giúp bản xây dựng các công trình phúc lợi, cải thiện cuộc sống, bà con có thêm điều kiện cho con em ăn học. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, bà con dân bản đã có ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR...

Khi người dân chung tay với cấp ủy, chính quyền quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng nâng cao độ che phủ rừng. Diện tích rừng do cộng đồng, nhân dân và chính quyền xã Mường Tùng quản lý bảo vệ ngày càng xanh tốt với tỷ lệ che phủ tăng lên từng năm. Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Diện tích rừng trên địa bàn xã được quản lý, bảo vệ tốt có một phần đóng góp không nhỏ của nhân dân. Đặc biệt là khi bà con được hưởng tiền DVMTR, đời sống ổn định hơn nên tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản cũng hạn chế. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã tăng từ 55,24% (cuối năm 2020) lên 60,17% (năm 2022). Ngoài những tác động tích cực của chính sách chi trả DVMTR, Đảng ủy, chính quyền xã Mường Tùng thường xuyên tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân nâng cao trách nhiệm giữ rừng. Chúng tôi đã giải thích để người dân biết được lợi ích thiết thực của việc bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn sẽ được chi trả tiền DVMTR cao hơn nên bà con đã ý thức hơn, không xâm phạm, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Nhằm nâng cao vai trò giữ rừng của địa phương, xã đã thành lập Ban Quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với các tổ, đội tuần tra, PCCCR của bản tuần tra, kiểm tra rừng. Đối với những khu vực rừng có nguy cơ bị xâm phạm, khai thác lâm sản trái phép hay khả năng xảy ra cháy cao, xã đã yêu cầu cán bộ cũng như tổ, đội của bản đi kiểm tra liên tục, cả những ngày nghỉ. Cùng với đó, tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ và PCCCR hàng năm. Hầu hết hộ dân trên địa bàn xã đã nghiêm chỉnh chấp hành ký cam kết bảo vệ và PCCCR. Để thực hiện việc chi trả tiền DVMTR cho đúng đối tượng, cấp ủy, chính quyền tổ chức đánh giá kết quả giữ rừng của từng cộng đồng và phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, cơ quan chức năng rà soát diện tích rừng trên địa bàn theo từng năm làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR cho các cộng đồng.

Việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cùng với tiến hành chi trả đầy đủ, chính xác và khách quan tiền DVMTR cho các chủ rừng đã và đang làm thay đổi nhận thức của nhân dân xã Mường Tùng trong công tác giữ rừng; góp phần tạo động lực, thúc đẩy cộng đồng dân cư và nhân dân tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top